Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

‘SCIC phải để doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm’

12:00 | 12/01/2021

Phó thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu SCIC thực hiện đúng vai trò đại diện chủ sở hữu, không can thiệp vào việc thuộc thẩm quyền doanh nghiệp.

Tại hội nghị tổng kết của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SCIC) chiều 11/1, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình lưu ý, Kế hoạch kinh doanh sẽ do các tập đoàn, tổng công ty xây dựng, chủ động triển khai trong khi SCIC là cơ quan chuyên trách, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Điều này nhằm tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng quản lý vốn, giúp chuyên nghiệp hoá hoạt động này.

"Doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác", ông nói.

Phó thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu chiều 11/1. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Phó thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu chiều 11/1. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Đồng thời, ông yêu cầu SCIC chú trọng công tác đầu tư, phát triển doanh nghiệp Nhà nước thông qua nghiên cứu, xây dựng hệ thống các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp phù hợp các thông lệ, chuẩn mực quốc tế và nguyên tắc kinh tế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Ủy ban cần nhanh chóng phê duyệt chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh cho các tập đoàn, tổng công ty thuộc thẩm quyền; tiếp tục công việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp với tiến độ nhanh, bảo đảm chất lượng hơn; thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty chuyển đổi mô hình tăng trưởng đi vào chiều sâu, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số...

Phó thủ tướng cũng lưu ý, SCIC tiếp tục tham gia xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả ngành công thương. Đồng thời, SCIC tập trung rà soát, phát hiện các dự án, doanh nghiệp đang thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả khác của các doanh nghiệp, không để tổn thất lớn và kéo dài như 12 dự án của ngành công thương thời gian qua. Nhiều lần, ông nhấn mạnh, SCIC phải bảo toàn, không để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của nhà nước.

Là một trong những đơn vị được chuyển về SCIC, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) kiến nghị được cơ cấu lại các khoản vay với 3 dự án gồm Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai. Theo Vinachem, đây là giải pháp chủ chốt nêu ra trong đề án 1468. Bởi chỉ riêng chi phí tài chính ở 3 dự án này đã chiếm 36,8% doanh thu.

"Đơn cử khoản vay ở Đạm Hà Bắc duy trì lãi suất 11-12%, nếu chậm thanh toán bị phạt lãi suất lên đến 18%", Vinachem cho biết. Tập đoàn cũng đề nghị được cơ cấu khoản vay của Bộ Tài chính để phù hợp với khả năng trả nợ. Ngoài ra, Vinachem cũng đề nghị Uỷ ban cùng các cơ quan liên quan tiếp tục có ý kiến để Quốc hội ra nghị quyết tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thuế, luật... giúp cho sản phẩm của ngành cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu; Đồng thời, Uỷ ban sớm trình đề án tái cơ cấu tập đoàn giai đoạn 2021-2025...

Năm 2020, tổng doanh thu của 19 doanh nghiệp thuộc SCIC ước đạt hơn 767.844 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là hơn 21.068 tỷ đồng. 17 trên 19 doanh nghiệp nộp ngân sách khoảng 56.387 tỷ đồng. Tổng tài sản công ty mẹ của 15 trên 19 doanh nghiệp tăng 4,59% lên hơn 1,54 triệu tỷ đồng.

 


Đức Minh

Theo Vnexpress

undefined