Dự báo

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Các nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á sẽ lấy lại được động lực tăng trưởng mạnh trong 2021

12:00 | 17/02/2021

Các nền kinh tế Đông Nam Á trong năm nay sẽ lấy lại được động lực tăng trưởng mà các nước này đã từng có trước khi đại dịch Covid-19 tạo ra sự suy giảm tồi tệ trong năm 2020. Theo dự báo ban đầu với khu vực, kịch bản tăng trưởng của các nước khá khác nhau khi mà rủi ro ngày một nhiều.
Mới đây, Nikkei công bố dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 đạt từ 4 đến 6% trong năm 2021, không thay đổi nhiều so với tính toán công bố vào tháng 11/2020.
Tính đến hiện tại, Singapore đã kiểm soát khá tốt đại dịch Covid-19 và đang có kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho toàn bộ người trưởng thành trước tháng 9/2021. Xuất khẩu hàng điện tử của Singapore tăng mạnh có thể coi như dấu hiệu tích cực dù rằng biện pháp hạn chế đi lại kéo dài đang gây sức ép lên kinh tế của Singapore.
Trong tuyên bố vào ngày thứ Hai, chính phủ Singapore nhấn mạnh: “Diễn biến tích cực tại các nền kinh tế lớn đang nhiều hơn những diễn biến tiêu cực. Triển vọng nhu cầu bên ngoài Singapore đang tốt hơn so với 3 tháng trước”.
Triển vọng kinh tế của Singapore xét theo nhiều cách có thể coi như “đại diện” cho khu vực. Trong khi xuất khẩu hàng tiêu dùng có thể coi như một điểm sáng, các đợt triển khai vắc xin Covid-19 thành công rất quan trọng để giúp hồi sinh hoạt động kinh tế trong đó có bao gồm du lịch – ngành quan trọng đối với rất nhiều nước Đông Nam Á.
Với các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia phân tích trong khu vực, sự lạc quan đang trộn lẫn với sự thận trọng về các tác động có thể đến.
Indonesia dự báo  GDP có thể tăng trưởng từ 4,5% đến 5,5% trong năm nay sau khi tăng trưởng âm 2,1% trong năm 2020. Trong tháng 1/2021, Indonesia bắt đầu khởi động quá trình tiêm vắc xin Covid-19 cho khoảng 181 triệu người, tức tương đương khoảng 70% dân số, dự kiến quá trình này sẽ được hoàn tất trước tháng 3/2022. Như vậy nhu cầu vắc xin Covid-19 của Indonesia sẽ lên rất cao, hiện tại Indonesia có khoảng 1,2 triệu ca nhiễm Covid-19, mức cao nhất trong khu vực.
Tương tự như vậy, Philippines dự báo tăng trưởng GDP đạt từ 6,5% đến 7,5% trong năm nay sau khi suy giảm 9,5% trong năm 2020, kinh tế Philippines tái mở cửa trở lại và quá trình tiêm vắc xin Covid-19 bắt đầu.
Các chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 hiện đang gặp khó với vấn đề vận chuyển, đặc biệt ở những nước có nhiều đảo như Indonesia. Tỷ lệ hiệu quả trong tiêm vắc xin Covid-19 cũng khác nhau tùy thuộc vào loại vắc xin nào được sử dụng.
Ngân hàng UOB của Singapore cho rằng tăng trưởng GDP của Singapore năm 2021 có thể hạn chế ở mức 2% trong kịch bản bi quan nếu mà tỷ lệ hiệu quả của vắc xin Covid-19 đạt 50% và tỷ lệ dân số được tiêm đạt 35%.
Vào ngày thứ Hai, Thái Lan cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 xuống còn 2,5% từ mức dự báo 3,5% trước đó. Tháng 11/2020, Thái Lan từng dự báo GDP năm 2021 tăng trưởng trong ngưỡng từ 3,5% đến 4,5%. Việc ngành du lịch toàn cầu đi xuống không khỏi tác động nặng nề đến kinh tế Thái Lan vốn có tỷ trọng đóng góp từ ngành du lịch khá cao.

TRUNG MẾN

Theo Bizlive

undefined