Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết Trung Quốc ngừng xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài

12:00 | 24/09/2021

Theo Viện Tài chính Xanh Quốc tế có trụ sở tại Bắc Kinh, hơn 70% tổng số nhà máy điện than ngày nay được xây dựng dựa vào nguồn vốn của Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra thông báo này trong cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 21/9, một năm sau cam kết đưa Trung Quốc trở thành quốc gia trung hòa carbon vào năm 2060.

Trong video thu trước được phát trong cuộc họp, Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo: "Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc phát triển năng lượng xanh và carbon thấp, đồng thời sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài".

Theo RT, nhà lãnh đạo của Trung Quốc không cung cấp thông tin cụ thể, nhưng tùy thuộc vào cách thức thực hiện chính sách, động thái này có thể hạn chế đáng kể nguồn tài chính cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài.

Động thái này có thể tác động mạnh đến ngành than trong tương lai. Theo Viện Tài chính Xanh Quốc tế có trụ sở tại Bắc Kinh, hơn 70% tổng số nhà máy điện than ngày nay được xây dựng dựa vào nguồn vốn của Trung Quốc.

Theo Bloomberg, lần đầu tiên Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc cho các dự án phát triển ở nước ngoài đã không tài trợ cho bất kỳ dự án than nào trong nửa đầu năm 2021.

Theo ông Manish Bapna, chủ tịch Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (NRDC), cho biết: "Đây là một bước tiến quan trọng. Điều này mở ra cánh cửa cho tham vọng khí hậu mạnh mẽ hơn từ phía Trung Quốc và các quốc gia quan trọng khác, cả trong nước lẫn quốc tế".

Là quốc gia đông dân nhất thế giới và phát thải khí nhà kính hàng đầu, Trung Quốc có thể hành động nhiều hơn để giúp hành tinh tránh khỏi những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu.

Đặc phái viên khí hậu của Mỹ John Kerry đã đến thăm Trung Quốc trong những tuần gần đây để tìm kiếm các ‘cam kết xanh’ mới. Ông John Kerry gần đây đã kêu gọi Trung Quốc dừng hỗ trợ các dự án nhiệt điện than nước ngoài.

Trung Quốc đã lập luận rằng các quốc gia phát triển cần phải làm nhiều hơn nữa để cắt giảm ô nhiễm, đồng thời gây quỹ để giúp các nước khác giảm thải carbon.

Các quốc gia đang cố gắng đưa ra một thỏa thuận loại bỏ dần điện than trước khi diễn ra các cuộc đàm phán về khí hậu nhằm duy trì mục tiêu của Hiệp định Paris về hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Thông báo của ông Tập Cận Bình được xem như hy vọng mới cho các cuộc đàm phán ở Glasgow, vốn đã được dự đoán là đầy thách thức. Các đại diện bày tỏ lo ngại rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến tiến độ các vấn đề nâng mục tiêu giảm phát thải.

Trung Quốc vẫn đang trong quá trình phát triển một lộ trình chính thức để đưa mức phát thải carbon bằng 0. Kế hoạch của quốc gia này trong 5 năm tới hướng đến giảm lượng khí thải carbon trên một đơn vị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến năm 2025 là 18% và cắt giảm 13,5% mức sử dụng năng lượng trên một đơn vị GDP. Lộ trình cũng bao gồm các kế hoạch thúc đẩy nhiên liệu phi hóa thạch lên 20% năng lượng sử dụng vào thời điểm đó.

Theo Bloomberg, RT

Khánh Ly

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

undefined