Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc do giảm nợ và xung đột thương mại

12:00 | 17/07/2018

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm nhẹ trong quý 2, trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh chiến dịch giảm nợ và căng thẳng thương mại leo thang Trung-Mỹ đe dọa triển vọng xuất khẩu.

Mặt hàng ống thép được đưa lên tàu đi xuất khẩu từ tỉnh Giang Tô của Trung Quốc - Ảnh: Reuters.

Hãng tin Reuters dẫn số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố sáng 16/7 cho biết nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng 6,7% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, một sự giảm tốc không nằm ngoài dự báo. Trong quý 1, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,8%.

Các dữ liệu về hoạt động kinh tế của Trung Quốc trong tháng 6 cho thấy đà tăng trưởng giảm dần, phù hợp với dự báo cho rằng nền kinh tế nước này đang giảm tốc. Một số nhà phân tích thậm chí kêu gọi Bắc Kinh có những biện pháp mạnh hơn để hỗ trợ tăng trưởng.

"Họ cần phải thu hẹp chiến dịch giảm nợ và chú ý nhiều hơn đến các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng, chẳng hạn tăng thanh khoản thông qua cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc", chuyên gia kinh tế Iris Pang thuộc ngân hàng ING ở Hồng Kông nhận định.

"Nếu tình hình chuyển xấu nhanh hơn dự báo, tôi thực sự cho rằng nhà chức trách Trung Quốc sẽ phải đẩy mạnh các biện pháp kích cầu, cả bằng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ".

Tăng trưởng đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc trong nửa đầu năm ở mức thấp kỷ lục. Sản lượng công nghiệp tháng 6 chỉ tăng 6%, mức tăng thấp nhất 2 năm và thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 6,5%.

Thống kê công bố hôm thứ Sáu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tăng trưởng vững trong tháng 6. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng kết quả này có thể là do các công ty Trung Quốc đẩy mạnh giao hàng cho đối tác Mỹ trước khi thuế quan có hiệu lực. Đáng lo ngại hơn, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ lập kỷ lục trong tháng 6, một diễn biến có thể đẩy chiến tranh thương mại giữa hai nước leo thang cao hơn.

Đứng trước sự giảm tốc của nhu cầu tiêu dùng nội địa và ảnh hưởng tiềm tàng của chiến tranh thương mại, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã bắt đầu có những chính sách hỗ trợ nền kinh tế và giảm bớt lập trường đối với vấn đề giảm nợ.

Mới đây, Trung tâm Thông tin Nhà nước Trung Quốc (SIC), một cơ quan nghiên cứu chính thức của nước này, nói rằng kinh tế Trung Quốc có thể giảm tốc nhẹ trong nửa sau của năm 2018 do những mối rủi ro trên thị trường tài chính trở nên rõ ràng hơn và nhu cầu được dự báo sẽ suy giảm.

Nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters rằng cơ quan giám sát tài chính của Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng "giảm đáng kể" lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ trong quý 3.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã ba lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để tăng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Gần đây, thay vì sử dụng từ "giảm nợ", PBoC chuyển sang dùng cụm từ "giảm nợ theo cơ cấu" - một sự thay đổi cho thấy nhà chức trách bớt mạnh tay trong vấn đề cắt giảm nợ trong nền kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Nomura dự báo PBoC sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm ít nhất một lần nữa trong năm nay và có thể sẽ tăng cường bơm vốn trực tiếp vào nền kinh tế.

Bình Minh
Theo VnEconomy

undefined