Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Vaccine ngừa Covid-19 có mang lại miễn dịch cộng đồng?

12:00 | 22/11/2020

Các chính phủ và các quan chức đang bày tỏ hy vọng rằng vaccine ngừa Covid-19 có thể mang lại 'miễn dịch cộng đồng', với một số tính toán rằng chỉ cần 2/3 dân số miễn dịch có thể ngăn chặn dịch bệnh và giúp bảo vệ toàn bộ cộng đồng hoặc quốc gia.

Một người dân Mỹ tại bang Florida được tiêm vaccine ngừa Covid-19. (Nguồn: AFP)


Tuy nhiên, khái niệm này đi kèm với những cảnh báo và đòi hỏi lớn về vaccine.

Trước tiên, việc nắm được những điều cần thiết để đạt được miễn dịch cộng đồng với vaccine Covid-19 liên quan đến một loạt yếu tố và một vài trong số đó vẫn chưa được biết rõ. Tốc độ lây lan của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) là bao nhiêu? Liệu những vaccine đầu tiên được triển khai có thể ngăn chặn sự lây lan của virus, hay chỉ ngăn chặn mọi người mắc bệnh? Có bao nhiêu người trong dân số sẽ chấp nhận một loại vaccine? Liệu vaccine có tạo ra sự bảo vệ như nhau cho tất cả mọi người?

Khi miễn dịch cộng đồng bị hiểu sai

Josep Jansa, chuyên gia về ứng phó khẩn cấp tại Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh (ECDC) châu Âu có trụ sở tại Stockholm, nói: “Miễn dịch cộng đồng đôi khi bị hiểu sai thành sự bảo vệ cho từng cá thể. Sẽ là sai lầm khi cho rằng ‘Tôi sẽ không bị ảnh hưởng bởi chúng ta đã có miễn dịch cộng đồng’. Miễn dịch cộng đồng ám chỉ sự bảo vệ cho toàn cộng đồng chứ không phải cách từng cá thể được bảo vệ”.

ECDC sử dụng ngưỡng miễn dịch cộng đồng ước tính là 67% cho các mô hình của họ, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trong tháng này rằng các quy định hạn chế do Covid-19 tại Đức có thể được gỡ bỏ nếu 60-70% dân số được miễn dịch, cho dù là nhờ vaccine Covid-19 hoặc do nhiễm virus. Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng chỉ ra rằng tỷ lệ 65-70% dân số được tiêm vaccine là một cách để đạt được miễn dịch cộng đồng qua vaccine.

Eleanor Riley, Giáo sư về miễn dịch học và các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh, nói: “Ý tưởng miễn dịch cộng đồng có nghĩa là để bảo vệ những người dễ bị tổn thương. Và ý tưởng đằng sau nó là nếu 98% dân số được tiêm vaccine, sẽ gần như không có virus trong cộng đồng và 2% còn lại sẽ được bảo vệ”.

Mấu chốt trong các tính toán là “hệ số lây nhiễm” của virus, được gọi là R. Đây là chỉ số đánh giá khả năng lây lan của dịch bệnh. Nó thể hiện số lượng người trung bình bị lây nhiễm từ một người bị bệnh trong các bối cảnh “bình thường” và không có hạn chế nào bị áp đặt. Khi R>1, dịch bệnh sẽ lây lan theo cấp số mũ. Khi R<1 thì dịch bệnh đi vào giai đoạn thoái trào.

Winfried Pickl, Giáo sư ngành miễn dịch học tại Đại học Y khoa Vienna, nói: “Vấn đề ở đây là chúng ta không biết chính xác virus lây truyền ở mức độ nào khi không có các biện pháp phòng ngừa và khi chúng ta vẫn tiến hành hoạt động đi lại bình thường như cách đây một năm”.

Theo ông này, trong bối cảnh nhiều quốc gia vẫn chưa thể trở lại trạng thái bình thường, có thể giả định rằng hệ số R của Covid-19 sẽ là gần mức 4 hơn là ở mức 2, bởi ngay cả khi thực hiện các biện pháp phong tỏa một phần hoặc toàn bộ, hệ số R vẫn ở mức khoảng 1,5.

Bên cạnh đó, nếu tỷ lệ hiệu quả của vaccine là ít hơn 100% - như mức khoảng 90% theo số liệu ban đầu của vaccine do công ty Pfizer-BioNTech và Moderna nghiên cứu, thì nó sẽ đòi hỏi tỷ lệ tiêm vaccine tăng lên để đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng.

Amesh Adalja, học giả tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cho rằng mục tiêu của miễn dịch cộng đồng tại Mỹ sẽ là hơn 70% dân số được tiêm chủng nhưng con số này có thể tăng lên nếu các vaccine kém hiệu quả.

"Vỏ bọc" chỉ có giá trị với cá nhân

Theo các chuyên gia, một yếu tố quan trọng khác đó là liệu các vaccine Covid-19 mà một chính phủ lựa chọn triển khai có thể ngăn chặn sự lây lan của virus hay không. Các bằng chứng đến nay cho thấy các vaccine Covid-19 đầu tiên được đưa ra thị trường ít nhất sẽ giúp mọi người không mắc bệnh. Tuy nhiên, không thể loại trừ rằng mọi người sẽ vẫn nhiễm virus SARS-CoV-2 và vô tình truyền nó cho những người khác.

Penny Ward, Giáo sư ngành dược tại Đại học King’s College London, nói: “Mặc dù ‘vỏ bọc’ bảo vệ này có giá trị đối với cá nhân, nhưng nó sẽ không ngăn chặn virus lây lan và nguy cơ lây bệnh cho những người không được tiêm vaccine”.

Bodo Plachter, Giáo sư và Phó giám đốc Viện Virus học thuộc Đại học Mainz (Đức), cho rằng sự lây nhiễm qua đường hô hấp khó có thể được ngăn chặn hoàn toàn với vaccine - mặc dù nó vẫn có thể giảm thiểu sự lây lan của virus. Ông nói: “Có thể những người được tiêm vaccine sẽ lan truyền ít virus hơn, nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng chỉ riêng việc tiêm vaccine có thể ngăn chặn đại dịch”.

Theo Giáo sư Riley, điều này cho thấy hiện nay, việc theo đuổi ý tưởng miễn dịch cộng đồng thông qua vaccine Covid-19 là vô ích. Bà cho rằng cách tiếp cận tốt hơn là đảo ngược ý tưởng miễn dịch cộng đồng, sử dụng các nguồn cung vaccine hạn chế đầu tiên để bảo vệ những người cần thiết nhất mà không phải lo ngại về những người khác trong “cộng đồng”, những người có thể chung sống “tương đối vui vẻ” với virus.

Bà nói: “Hãy quên đi ý tưởng bảo vệ cộng đồng để nhằm bảo vệ cho những người dễ bị tổn thương. Hãy trực tiếp bảo vệ những người dễ bị tổn thương”.


Theo Thế giới và Việt Nam

undefined