Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

'Dòng vốn chuyển hướng tới một châu Á năng động, tăng trưởng cao'

12:00 | 12/04/2021

'Dòng vốn chuyển hướng tới một châu Á năng động, tăng trưởng cao'

Từ tỷ đến nghìn tỷ

Thương mại được đo đếm bằng những con số hàng tỷ USD còn đối với thị trường tài chính là hàng nghìn tỷ. Giữa phương Tây và phương Đông, các dòng tiền lại dễ dàng băng qua những biến cố. Nếu như thương mại nhanh chóng trở thành chiến trường giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới, các thủ phủ tài chính lại không cho thấy một dấu hiệu rạn nứt nào.

Điều này đặc biệt đúng với Trung Quốc. Ngay cả trước khi thỏa thuận thương mại giai đoạn I được ký hơn một năm trước, các ngân hàng phương Tây gia tăng kiểm soát lên các công ty môi giới và bảo hiểm Trung Quốc đang hoạt động tại quốc gia sở tại. Cùng với Thỏa thuận thương mại EU - Trung Quốc, Trung Quốc tiếp tục có những động thái khuyến khích dòng vốn ngoại chảy vào lĩnh vực tài chính của quốc gia này.

Tiếp đó, sự tự do hóa tài khoản vốn của Trung Quốc nhằm tạo ra nhiều khoảng trống hơn trong các dòng vốn ra và vào thị trường thu hút hàng nghìn tỷ USD đổ vào thị trường trái phiếu và cổ phiếu của quốc gia này. Trái phiếu nhân dân tệ kỳ hạn 10 năm có lợi suất cao hơn 250 điểm phần trăm so với trái phiếu chính phủ Mỹ cùng kỳ hạn.

Vốn ngoại chỉ chiếm 2,4% thị trường trái phiếu trị giá 14.000 tỷ USD và 3% đối với thị trường cổ phiếu 12.000 tỷ USD của Trung Quốc. Một số yếu tố thúc đẩy dòng vốn ngoại đổ vào thị trường trái phiếu Trung Quốc trong năm qua. Trong đó phải kể đến chính sách tài khoá và tiền tệ mang nhiều tính hỗ trợ của Trung Quốc, các giá trị hấp dẫn của loạt sản phẩm trái phiếu, cơ cấu hoạt động dựa vào các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới và nhu cầu đầu tư tăng mạnh trong giới đầu tư toàn cầu - những người muốn đa dạng hoá danh mục đầu tư, theo Ming Leap tới từ quỹ quản lý tài sản toàn cầu HSBC.

Giai đoạn vừa qua của quá trình toàn cầu hoá được thể hiện thông qua việc dòng tiền tiết kiệm của châu Á đổ vào các loại hình tài sản lợi nhuận thấp nhưng an toàn tại các nước phương Tây. Nhưng ở thời điểm hiện tại, dòng vốn sẽ chảy theo đúng hướng - tới một châu Á năng động và tăng trưởng cao.

Dòng vốn chuyển hướng tới một châu Á năng động, tăng trưởng cao - Ảnh 1.

Diễn biến dòng vốn đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu ngân hàng chính sách và trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc qua các năm.

Nhưng sau khi chứng kiến dòng vốn chảy ra trong đại dịch Covid-19, một châu Á mới nổi cần phải đẩy mạnh làn sóng tư nhân hoá để có thể bắt kịp cơ hội của Trung Quốc. Từ Pakistan và Ấn Độ cho tới Indonesia, Việt Nam và Philippines, các tập đoàn quốc doanh lớn trên các lĩnh vực như năng lượng, vận tải, hàng không, xây dựng, nông nghiệp, lưu trú và nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nên lưu hành thêm cổ phiếu và thu hút dòng vốn đầu tư từ các đối tác nước ngoài nhằm hai mục đích gia tăng vốn và vị thế.

Điều này cũng sẽ giúp cải thiện các điểm yếu của khu vực trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài là quá ít nền kinh tế trong khu vực được hình thành từ những loại hình tài sản đại chúng. Thị trường chứng khoán khu vực đã có một năm 2020 thành công, nhưng đã có thể có giá trị thị trường lớn hơn rất nhiều nếu có như nhiều hơn các loại hình cổ phiếu dành cho cả các nhà đầu tư nội và ngoại.

Bên cạnh chiến lược Vành đai và Con đường

Cuối tháng 9/2019, tại một sự kiện ở Brussels, Bỉ, cựu chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean-Claude Juncker và cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ký Hiệp định đối tác xây dựng chất lượng cơ sở hạ tầng và kết nối bền vững giữa hai khu vực Á và Âu. Trong phiên họp báo sau đó, không lãnh đạo nào nhắc tới Trung Quốc và Mỹ. Những mối quan hệ hợp tác đa dạng và nghiêm túc này giúp hình thành tương lai của quá trình toàn cầu hoá.

Rất nhiều các quan chức ngoại giao đại diện cho 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) - khi đó, Anh vẫn là một thành viên - bên cạnh đó là khách mời tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Arab Saudi, Iran, các quốc gia vùng Balkan và Liên Xô cũ, Ấn Độ và Pakistan. Đó là phiên họp mang tính hợp tác và liên kết giữa hai châu lục, tuy vắng mặt của Trung Quốc và Mỹ, nhưng vẫn có sự thống nhất cao giữa các bên.

Dòng vốn chuyển hướng tới một châu Á năng động, tăng trưởng cao - Ảnh 2.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau lễ ký hiệp định đối tác giữa hai bên hồi năm 2019. Ảnh: Reuters.

Hiệp định giữa châu Âu và Nhật Bản, cùng với mạng lưới hợp tác Blue Dot giữa Mỹ- Australia - Nhật Bản, cùng với nhiều thỏa thuận hợp tác khác, đều hướng tới mục tiêu thúc đẩy quá trình hiện tại hóa xung quanh bờ Ấn Độ Dương mà không cần phụ thuộc vào Trung Quốc.

Cùng thời điểm đó, Trung Quốc cũng có những thay đổi trong chiến lược “Vành đai và Con đường”, ưu tiên các khu vực lân cận như Trung và Đông Nam Á hơn các khu vực khác, chuyển nguồn vốn vay sang các doanh nghiệp nội địa và nước ngoài hơn là cho vay song phương. Cuộc đua xây dựng cơ sở hạ tầng này chính là hiện thân cho sự kết nối mang đầy tính cạnh tranh trong tâm điểm của làn sóng toàn cầu hóa tiếp theo.

Đó là lý do tại sao chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, và các “đối thủ”, sẽ cùng nhau lèo lái làn sóng toàn cầu hóa tiếp theo. Vành đai và Con đường trở thành một cụm từ vắn tắt thể hiện một thị trường tài chính cơ sở hạ tầng toàn cầu đa hướng đầy tính cạnh tranh và ngày một mở rộng. Sức ảnh hưởng và cách tiếp cận nợ lớn của Trung Quốc khiến cho các quốc gia từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và nhiều quốc gia khác có những phản ứng chiến lược đáp lại, với việc sự liên kết giữa họ sẽ mang lại những gói hỗ trợ phát triển bền vững hơn.

Điều này có nghĩa không phải mọi con đường cũng dẫn tới Trung Quốc. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng quá trình cơ sở hạ tầng xuyên biên giới sẽ giúp kích thích thương mại theo mọi hướng, không chỉ là quan hệ song phương giữa Trung Quốc và quốc gia được đầu tư.

"Châu Á tới châu Á (A2A)" trở thành "câu thần chú" của nhiều các định chế tài chính vốn đang tìm kiếm cơ hội cấp vốn cho các lĩnh vực năng lượng và thương mại dọc những “con đường tơ lụa” mới này.

Trung Quốc cũng đẩy mạnh cái gọi là "con đường tơ lụa số" và công nghệ chính là hiện thân rõ ràng của xu thế toàn cầu hóa tương lai đa chiều. Làn sóng “tẩy chay” dẫn đầu bởi Mỹ đối với Huawei góp phần tạo điều kiện cho các công ty châu Âu như Nokia, Ericsson, và NTT của Nhật Bản thu về nhiều hơn các hợp đồng triển khai mạng 5G trên toàn cầu.

Trong khi đó, việc liệt công ty sản xuất chip Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Co (SMIC) vào danh sách đen nhằm mục đích đảm bảo chỗ đứng cho các doanh nghiệp sản xuất chip bán dẫn của Mỹ và Nhật Bản. Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng giữa Ấn Độ - Nhật Bản - Australia, một thỏa thuận trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp bên cạnh thỏa thuận quân sự giữa 4 quốc gia, trong đó có thêm Mỹ, nhằm mục đích kéo các hoạt động sản xuất thiết bị, vật tư y tế và viễn thông, cùng với đó là các công nghệ quan trọng, ra khỏi Trung Quốc, về nền kinh tế của các bên tham gia.

Dòng vốn chuyển hướng tới một châu Á năng động, tăng trưởng cao - Ảnh 3.

Công nhân tại công trường xây dựng cảng City ở Colombo, Sri Lanka, một trong những dự án nổi bật của "Vành đai và Con đường". Ảnh: AFP/Jiji.

Quá trình tương tự cũng đang xảy ra trong lĩnh vực sản xuất.

Các công ty công nghiệp hàng đầu châu Âu như Siemens và Robert Bosch, là hai trong số nhiều công ty đi tiên phong trong công cuộc xây dựng làn sóng tự động hóa trong các nhà máy, xí nghiệp của Trung Quốc, với các công nghệ như thị giác máy (machine vision) và mạng lưới cảm biến internet vạn vật, cho phép các kỹ sư tại châu Âu có thể kiểm soát và có những chỉnh sửa cần thiết đối với các dây chuyền sản xuất tại Tô Châu và Thâm Quyến.

Trong tương lai, các doanh nghiệp châu Âu sẽ mang những công nghệ đó quay trở lại quê hương nhằm duy trì sản lượng của nền kinh tế trong bối cảnh các đợt phong tỏa xã hội do dịch Covid-19 vẫn chưa biết tới khi nào mới chấm dứt, bên cạnh đó là dịch chuyển các công nghệ của mình sang các thị trường mới như Ấn Độ và Đông Nam Á.

Trong lĩnh vực công nghệ số, điện toán đám mây và mạng xã hội đại diện cho cuộc chiến căng thẳng giữa phương Đông và phương Tây. Trong khi Amazon Web Service và Microsoft Azure hiện tại đang là những công ty hàng đầu về dịch vụ đám mây, Alibaba Cloud cũng đã lên những kế hoạch mở rộng trong khu vực. Với việc công ty có độ bao phủ lớn trong hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại điện tử trong khu vực, mối quan hệ hợp tác chiến lược cùng với doanh nghiệp quản lý quan hệ khách hàng hàng đầu Saleforce sẽ giúp gia tăng mục tiêu giá trị tích hợp của công ty khi mà hàng triệu doanh nghiệp buộc phải đẩy mạnh quá trình số hóa.

Alibaba Group Holding là hình mẫu lý tưởng đối với các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, những doanh nghiệp đã vươn ra tầm thế giới trong các lĩnh vực trò chơi trực tuyến và mạng xã hội, ví dụ như Tencent Holding và ByteDance. Trong bối cảnh nhiều rào cản pháp lý họ phải đối mặt tại Mỹ và châu Âu, cả hai công ty trên đều tăng cường sự hiện diện tại Singapore, từ đó, họ sẽ biến đổi thành các công ty toàn cầu hoạt động theo tiêu chuẩn bảo toàn thông tin cá nhân quốc tế.

Chất lượng, không phải số lượng

Thế kỷ 21 là lần đầu tiên trong lịch sử loài người, mọi châu lục và khu vực đại diện cho một cực quyền lực độc lập. Hệ thống toàn cầu phức tạp này to lớn hơn bất cứ một thế lực đơn lẻ nào. Trong mạng lưới quan hệ của mình, không một thế lực nào có thể cáng đáng được cả thế giới. Xu hướng địa chính trị mới này dự báo một chương mới trong quá trình toàn cầu hóa, giai đoạn mới mang nhiều tính cạnh tranh hơn giai đoạn trước đó, cho dù khối lượng thương mại hoặc đầu tư có ở mức nào đi chăng nữa.

Điều mà các quốc gia nên đồng tình đó là phải theo đuổi một xu hướng toàn cầu hóa tiến bộ, giúp tăng thu nhập, giảm thiểu bất bình đẳng, và không bỏ sót một ai. Thế giới cũng nên tiến tới giảm thiểu nhu cầu dầu mỏ, thay vào đó là năng lượng tái tạo. Chỉ tới khi khí thải ngành hàng không được giảm thiểu một cách tương đối, việc dị chuyển công tác giữa các châu lục mới trở thành một điều thực sự hữu ích, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc quá trình toàn cầu hóa theo chiều dọc có thể diễn ra ở một quy mô nhỏ bé hơn.

"5 cuộc gọi qua Zoom mỗi ngày của tôi với những người bạn đến từ 5 quốc gia khác nhau chắc chắn không phải là bằng chứng cho cái gọi là 'phi toàn cầu hóa'. Cho dù ở đâu, bạn nên quan tâm đến chất lượng hơn là quy mô của xu hướng toàn cầu hóa, quan tâm đến việc bắt kịp xu hướng hơn là xu hướng đang tăng hay giảm", Parag Khana, cây viết của Nikkei Asian Review bình luận.

Trọng Đại

Theo Người đồng hành

undefined