Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Gỡ ‘thẻ vàng’ IUU: Đồng lòng hành động vì hình ảnh quốc gia

12:00 | 22/04/2024

Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị 32 yêu cầu khẩn trương rà soát, bổ sung chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về chống IUU (khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định), sớm “gỡ thẻ vàng” và phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam.

Việc ngăn chặn, loại trừ, tiến tới xóa bỏ tình trạng IUU là nhiệm vụ bắt buộc để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” mà Ủy ban châu Âu (EC) đã áp dụng để phát triển nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững. Đây cũng là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, đã được thể chế hóa thông qua Luật Thủy sản năm 2017.

Thực tế, sau hơn sáu năm triển khai quyết liệt, nghề cá Việt Nam đã đạt được những kết quả tốt và phát triển ngày càng bền vững hơn. Việc gỡ "thẻ vàng" IUU đã được triển khai nghiêm túc bằng hàng loạt giải pháp cấp bách, cùng sự vào cuộc quyết liệt của bộ, ngành, địa phương. Khung pháp lý cũng thay đổi rất nhiều, trong đó Luật Thủy sản là bước tiến lớn cho ngành hướng tới phát triển bền vững, từng bước nội luật hóa các quy định về tổ chức nghề cá trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra gần nhất (lần thứ tư, 10/2023) của đoàn thanh tra EC, kết quả triển khai công tác chống IUU mới chỉ được kết luận có tiến bộ so với trước, nhưng chưa giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế. Các cảnh báo của đoàn cho thấy, khi quy định đặt ra mà ở “mắt xích” nào đó chưa tuân thủ đầy đủ thì sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống. Hoặc, nếu việc tuân thủ chỉ mang tính thời điểm thì khó tránh việc tiếp tục bị rút “thẻ vàng” .

Vì vậy, quan trọng nhất đối với việc gỡ “thẻ vàng” IUU, chính là nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn hệ thống trong tuân thủ quy định của Việt Nam và quốc tế về khai thác và đánh bắt thủy hải sản; chỉ quyết tâm của Chính phủ là chưa đủ, còn phải nâng cao ý thức, trách nhiệm từ người dân, doanh nghiệp, đến các cấp, ngành địa phương.

Những năm qua, ngành thủy sản phát triển không ngừng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổng sản lượng hằng năm đạt trên 9 triệu tấn, đóng góp khoảng 30% GDP của ngành nông nghiệp; sản phẩm thủy sản xuất khẩu đến 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ ba thế giới.

Tuy nhiên, số liệu từ Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho thấy, kể từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam (10/2017), toàn bộ nghề cá Việt Nam đã chịu tổn thất không nhỏ cả về xuất khẩu lẫn uy tín kinh doanh trên thị trường quốc tế.

Giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU sụt giảm bình quân từ 6-10%/năm. EU từ là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam (chiếm từ 17-20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản) đã tụt xuống vị trí thứ năm (sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN).

EC chuẩn bị cử đoàn sang Việt Nam để thanh tra, kiểm tra về hoạt động chống IUU. Thời gian cho chặng “nước rút” không còn nhiều, hơn lúc nào hết đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương cũng như cơ quan chuyên môn trên dưới đồng lòng, quyết liệt cùng hành động và đáp ứng tốt nhất khuyến nghị của EC.

Như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan kêu gọi, “đây không chỉ là vấn đề chống IUU mà chúng ta hành động vì hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế”.

Tuy nhiên, vượt qua chống khai thác IUU đã khó, đây mới là tiền đề đầu tiên phải vượt qua để hướng tới một ngành ngư nghiệp, ngành kinh tế thủy sản phát triển minh bạch, trách nhiệm và bền vững.


An Sinh

thei Baoquocte

undefined