Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Mỹ hướng tới sự thịnh vượng tại diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương

12:00 | 10/12/2019

Kể từ những ngày đầu của Chính quyền Tổng thống Trump, các cơ quan chính phủ Mỹ đã đầu tư hơn 2,9 tỷ đô la vào khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương để hỗ trợ ba lĩnh vực ưu tiên.

Mỹ hướng tới sự thịnh vượng tại diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink và các đại biểu tham dự tại Diễn đàn Ấn Độ - Thái Bình Dương

Mới đây, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã có bài viết về vai trò của Mỹ trong việc tăng cường thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, dưới đây là nội dung bài viết:
“Việt Nam, giống như nhiều nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đã trải qua một sự chuyển đổi đáng chú ý trong vài thập kỷ qua, và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Các công ty lớn của Mỹ như Citibank, Facebook, Ford, GE, Google, Intel và Nike đã góp phần vào sự chuyển đổi đó và hiện giúp tạo ra hơn 60 tỷ đô la mỗi năm trong thương mại hai chiều của Mỹ-Việt Nam.
Một lý do chính khiến cho các công ty và thương hiệu Mỹ hoạt động tốt ở Việt Nam và khu vực là vì họ đáng tin cậy. Hàng hóa, công nghệ và trình độ quản lý của Mỹ thuộc đẳng cấp thế giới. Và chính phủ Mỹ cam kết hỗ trợ sự thành công của khu vực tư nhân bằng cách giúp các quốc gia thu hút đầu tư chất lượng cao, bền vững và minh bạch.
Kể từ những ngày đầu của Chính quyền Tổng thống Trump, các cơ quan chính phủ Mỹ đã đầu tư hơn 2,9 tỷ đô la vào khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương để hỗ trợ ba lĩnh vực ưu tiên của chúng tôi trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: cơ sở hạ tầng, năng lượng và nền kinh tế kỹ thuật số.
Tháng trước, tôi đã tham gia Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Bangkok, tại đó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc và tôi tự hào dẫn đầu một phái đoàn gồm 50 doanh nghiệp tư nhân đến từ Việt Nam. Sức mạnh và sự đa dạng của phái đoàn mà chúng tôi dẫn đầu đã mang đến một thông điệp rõ ràng cho các nhà lãnh đạo khu vực công và tư của Mỹ rằng Việt Nam đã sẵn sàng cho các mối quan hệ đối tác kinh doanh sâu rộng hơn nữa! Phái đoàn của chúng tôi gồm các thành viên AmCham và VCCI đã cùng với gần 1.000 lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ đến từ Mỹ và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thúc đẩy giá trị của đầu tư tiêu chuẩn cao, minh bạch, thượng tôn pháp luật và phát triển kinh tế do khu vực tư nhân lãnh đạo.
Đây là thời điểm tốt nhất đối với Việt Nam khi Việt Nam đang cần khoảng 200 tỷ đô la đầu tư mới trong năm năm tới để xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, bao gồm đường, cầu, sân bay và cảng. Các công ty, công nghệ và nhà đầu tư của Mỹ đang nóng lòng được tham gia vào thị trường này. Một ví dụ tuyệt vời là Tập đoàn AES có trụ sở tại Virginia.
Tại Diễn đàn, tôi đã rất vui khi được tham gia thông báo rằng chính phủ Việt Nam và AES đã sẵn sàng ký biên bản ghi nhớ để AES  xây dựng nhà máy điện tuabin khí Sơn Mỹ 2 có công suất 2.2 gigawatt. Cùng với kế hoạch về cảng nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) Sơn Mỹ của AES, đây sẽ là khoản đầu tư trị giá gần 3 tỷ USD và sẽ đóng vai trò chính trong việc định hình tương lai năng lượng an toàn của Việt Nam
Là một quốc gia ở Thái Bình Dương, sự tham gia của chúng tôi ở khu vực này bắt đầu từ những ngày đầu thành lập nước Cộng hòa của chúng tôi, và đó là một câu chuyện về thương mại, trao đổi và cùng có lợi. Trên thực tế, Mỹ là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - trị giá gần 886 tỷ đô la vào cuối năm 2018. Sự hỗ trợ phát triển và tham gia vào các hoạt động kinh tế và thương mại của chúng tôi đã thúc đẩy sự tự do, cởi mở và thịnh vượng trên toàn khu vực.
Những khoản đầu tư này đang tạo ra sự khác biệt từ khu vực sông Mê Kông đến quần đảo Thái Bình Dương và trên khắp Nam Á. Những hoạt động đầu tư này được thực hiện với các đồng minh và đối tác của chúng tôi, bao gồm cả Nhật Bản, đất nước đã cam kết thêm 10 tỷ đô la theo Hiệp định Đối tác Năng lượng Chiến lược Nhật Bản - Mỹ để giúp tài trợ cho các dự án LNG trong khu vực.
Ngoài việc giúp đáp ứng các nhu cầu cơ sở hạ tầng cụ thể, chúng tôi cũng hợp tác với các đối tác để đảm bảo họ có được thỏa thuận tốt nhất về bất kỳ khoản đầu tư nào có khả năng tiết kiệm cho chính phủ hàng tỷ đô la bằng cách giúp xem xét các chi phí vòng đời ẩn trong các hợp đồng phức tạp. Ví dụ, tại Diễn đàn, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia đã cùng nhau công bố Mạng lưới Điểm xanh (Blue Dot Network), một sáng kiến nhiều bên nhằm thúc đẩy các tiêu chuẩn chất lượng cao, đáng tin cậy để phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu.
Một vấn đề quan trọng khác là chúng tôi đang đầu tư vào vốn nhân lực. Các chương trình trao đổi của chúng tôi bồi dưỡng khoảng 5.000 người từ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mỗi năm, từ các nhà lãnh đạo địa phương đến các nguyên thủ quốc gia. Và hai phần ba sinh viên quốc tế tại các trường đại học Hoa Kỳ đến từ khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, trong đó có gần 30.000 sinh viên đến từ Việt Nam.
Chúng tôi hướng đến một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, thúc đẩy môi trường đầu tư mở và thương mại tự do, công bằng và có đi có lại; tuân thủ tính minh bạch và quản trị tốt; và thúc đẩy tự do biển cả và thượng tôn pháp luật. Đây không chỉ là giá trị của Mỹ. Đây là những giá trị được chia sẻ trên khắp khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.
Đã đến lúc phải hợp tác nhiều hơn với nhau, sử dụng một mô hình đã đứng vững trước thử thách của thời gian – đó là mô hình đối tác. Quan hệ đối tác không chỉ thông qua các chính phủ, mà còn thông qua các công ty, các tổ chức giáo dục và các tổ chức xã hội dân sự. Nước Mỹ xây dựng mọi thứ vì lợi ích chung, và chúng ta xây dựng nên những thứ đó để chúng trường tồn.”

 


NGỌC DIỆP

Theo Bizlive

undefined